Theo TTO: Chiều 4-8, tại kỳ họp thứ 17, khóa VI, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt chủ trương xây cầu Phước An (nối TX.Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu và H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 4,3 km, điểm đầu giao với đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải, điểm cuối giao với đường vào cảng Phước An. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.800 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 2.800 tỉ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 2.000 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án là 5 năm, do Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) làm chủ đầu tư.
Cầu Phước An là hạng mục quan trọng kết nối hệ thống đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với các đường cao tốc liên vùng phía nam (cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây) và đường cao tốc Bắc – Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải, Dự án cầu Phước An là dự án thành phần thuộc Dự án đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải (với chiều dài là 21,3 km từ cảng Cái Mép Hạ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tới cảng Phước An, tỉnh Đồng Nai, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 1,4 km). Dự án có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây), qua đó kết nối toàn bộ Nhóm cảng biển số 5 với khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, Tp.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung; đồng thời, giải tỏa ùn tắc giao thông, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 51 và các tuyến đường khác. Do vậy, việc hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư để sớm thực hiện công tác đầu tư Dự án cầu Phước An cần khẩn trương được thực hiện. Như thế, mới có thể khai thác hết ưu thế nước sâu của cảng Cái Mép – Thị Vải cũng như phát triển dịch vụ logistics và các khu công nghiệp.
Cách đây hơn 10 năm, khi bắt đầu hình thành cảng Cái Mép – Thị Vải, chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu đã có chủ trương xây cầu Phước An để kết nối cảng với các tỉnh thành lân cận. Thế nhưng, dự án này gặp nhiều vướng mắc, trở ngại về nguồn vốn.
Cụ thể trước đây, chủ trương để xây cầu Phước An là bằng vốn đầu tư ODA Nhật Bản và đối tác công tư. Đến 2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hồi chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) chuyển sang hình thức đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
Mới đây dự án này cũng gặp vướng mắc về hướng tuyến của cầu vì liên quan đến đất, đến quy hoạch của phía Đồng Nai. Cuối tháng 5-2020, trước khi chủ trì hội nghị phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vị trí xây cầu để tháo gỡ.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu trình bày với đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi khảo sát thực tế vị trí dự kiến xây cầu Phước An, tháng 5-2020.
Đến đầu tháng 7, Bộ Giao thông – Vận tải thống nhất về nguyên tắc với phương án lựa chọn vị trí xây dựng cầu Phước An theo thống nhất của Chủ tịch UBND 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu (tim cầu cách mép cảng Phước An khoảng 150m về phía thượng lưu so với ranh đất cảng Phước An), đảm bảo hành lang an toàn công trình tối thiểu 150m theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn chỉnh Dự án cần nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo giao thông thủy trên sông Thị Vải và các nhánh sông kết nối tại vị trí cầu Phước An.
Bộ Giao thông – Vận tải đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thiện các thủ tục thỏa thuận vị trí xây dựng cầu Phước An nêu trên, có văn bản thống nhất và gửi Bộ Giao thông – Vận tải xem xét.
“Đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục chuẩn bị chủ trương đầu tư Dự án. Nếu không có sự phối hợp và hỗ trợ chặt chẽ của tỉnh Đồng Nai thì Dự án rất khó hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư”, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông – Vận tải cũng giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với hai địa phương và đơn vị tư vấn rà soát, xem xét và giải quyết các vấn đề có liên quan theo thẩm quyền.
Nguồn: tổng hợp